TỪ CHỮ "i" ĐẾN CHỮ "LỄ"
(Riêng tặng các đồng nghiệp)

TCT


            Ba tôi là thầy giáo. Lúc sinh tiền thường nói:" Dạy học sinh từ chỗ chưa biết chữ thành biết chữ là cực kì khó; ngay cả chữ "i" phải mô tả nó giống cái lưỡi câu và thêm một dấu "." ở trên đầu, ấy thế mà phải mất một tuần lễ học sinh mới thuộc". Bây giờ người đã đi vào cõi vĩnh hằng, còn tôi thì nối nghiệp người, lúc nào tôi cũng nhớ câu nói ấy.


            Một dạo nọ, khi tan trường, học sinh lượt ra về, tôi cũng hòa theo dòng học sinh ấy về nhà. Chợt nghe phía sau có tiếng gắt:"Thầy tụi bây dạy ra đường đi hàng đôi hàng ba hả, đồ lỗ tai trâu !?". Tôi quay lại, thì ra là một anh xe lôi vừa nói vừa nhìn tôi. Tôi hiểu rất nhanh rằng anh ta đang chửi xéo tôi. Tôi không buồn vì ngay cả chữ "i" ba tôi còn gặp nhiều khó khăn nữa là! Huống chi tạo một thói quen khi ra đường cho học sinh là một phần trong môn Giáo Dục Công Dân. Một mặt hoạt động sư phạm trong việc hình thành nhân cách của học sinh. Anh xe lôi cũng có cái lí của anh ta, đang chở nặng bị cản đường ai không giận?

 
            Ngày xưa , khi vào lớp Một cả một niên học tôi được dạy đi dạy lại bài:"Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra /...". Sang lớp Hai, lớp Ba,...mỗi cấp lớp môn Giáo Dục Công Dân chỉ dạy cho học sinh một chủ đề đơn giản và phù hợp với lứa tuổi, có thể áp dụng ngay, không yêu cầu cao. Và cứ thế đến hết bậc phổ thông (tú tài) , người học sinh đã hình thành một nhân cách khá hoàn chỉnh, có khả năng giao tiếp và ứng xử một cách lễ độ và hoà nhã.


            Thời phong kiến, các Nho sinh đều tinh thông: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và xem đây như giáo điều. Để ý rằng chữ "Trí" được xếp áp chót. Vào thời này Đạo Đức của người học Nho là một đức tính hàng đầu. Trong gia đình, ngoài xã hội luôn có một nề nếp tôn ti trật tự: vợ không cãi chồng, con vâng lời cha mẹ, trò kính thầy, bạn bè nhường nhịn lẫn nhau...


            Ngày nay, mặc dầu nền giáo dục nghiêng hẵn về thực dụng ( Trí), nhưng Nhân , Nghĩa, Lễ và Tín vẫn không bị xem nhẹ. Lúc tôi còn là học sinh, ra đường tôn trọng luật lệ giao thông, nhường nhịn và giúp đở người già, thương người hoạn nạn,v.v...trở thành một việc làm bình thường, không đắn đo gì cả, xem đây là một cư xử văn minh. Thế nhưng khi chọn nghề giáo, vấn đề rèn luyện cho học sinh những cư xử ấy không như ý muốn.


            Trở lại "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" của Nho giáo, theo tôi nên xếp theo thứ tự ưu tiên: Lễ, Nghĩa, Nhân, Tín, Trí. "Lễ" phải được xếp lên đầu vì nó là gốc của bốn điều còn lại.


            Một anh bạn của tôi ở Pháp về chơi nói với tôi:" Ở VN sao người ta lái xe ẩu quá !". Nhận xét này không sai chút nào. Bản thân tôi không nhớ nỗi đã bao nhiêu lần" hú vía" khi ra đường. Hàng ngày đọc báo, xem TV thấy tai nạn xảy ra nhiều hơn chuyện đàn bà đánh ghen ! Ngành Giao Thông làm việc hết công suất, tình hình cũng không sáng sủa, thậm chí ngày một tăng thêm. Có lúc cảnh sát giao thông xuống tận các trường phổ thông để giáo dục các em tôn trọng luật lệ giao thông. Các biện pháp hành chính như phạt tiền, giữ xe v.v...đủ hết, nhưng đọc báo, xem TV tai nạn vẫn dài dài ! Theo tôi vấn đề có liên quan đến chữ "Lễ". Nếu ra đường ai cũng giữ "Lễ" chỉ đi đúng phần đường của mình, nhường nhịn nhau, tránh vượt đúng luật giao thông thì sẽ hạn chế 90% số tai nạn. Chuyện làm này không khó khăn gì, một chữ "Lễ" là giải quyết được. Tiếc thay, bọn trẻ thường hay xem thường Lễ.


            Có"Lễ" tất sẽ sinh "Nghĩa", "Lễ" trước "Nghĩa" sau, bổ xung nhau. Khi người ta có"Lễ" và "Nghĩa" thì bước đến "Nhân" rất gần. "Nhân" xuất phát tự lòng, "Nhân" xảy ra khi đã có "Lễ" và "Nghĩa", chưa thấy ai thiếu "Lễ" thiếu "Nghĩa" mà thừa "Nhân". "Tín" là lòng tin, tin người và làm cho người tin. Như vậy "Tín" gắn liền với "Đức", nhưng Đức là mẹ của Lễ, Nghĩa và Nhân. Người có Đức tất có Lễ, có Nghĩa, có Nhân; nên mới được người tin tức là có Tín. Còn "Trí" dùng để phân biệt thị phi, phải trái mà hành xử cho đúng. Ngoài ra có "Trí" tất có phát minh, đem lại lợi ích cho mình và cho người, khoa học tiến bộ là nhờ "Trí".


            Tuy nhiên chúng ta lại quá chú trọng "Trí". Phụ huynh học sinh muốn con mình học giỏi, ra trường có việc làm lương cao, đời sống sung túc...vô tình quên đi cái "Đức", nghĩa là quên đi Lễ, Nghĩa, Nhân, Tín. Thành thử chuyện ra đường đi hàng đôi, hàng ba, cười giỡn...gây cản trở giao thông, về nhà nói năng thô lỗ, hành xử thô thiển...là điều khó tránh khỏi !


            Là một nhà giáo, tất nhiên tôi rất quan tâm đến đạo đức của học sinh. Ở mỗi lớp tôi dạy đều treo khẩu hiệu : "Tiên học Lễ hậu học Văn". Nhưng khẩu hiệu là khẩu hiệu, học sinh quên "Lễ" là chuyện thường. Mỗi khi xong một tiết học, vì phải tuân thủ nội quy, học sinh đứng dậy chào tôi nhưng miệng vẫn đùa giỡn, lác đác vài em vẫn ngồi lén lút, "ăn gian" được cứ "ăn gian", học sinh tìm cách đối phó với "Lễ". Trong trường là thế, về nhà các em ra sao? Một đồng nghiệp của tôi nhận xét:"Thời này đa số học sinh là "con một" nên được nuông chìu, muốn gì được nấy làm sao ngoan ngoãn được?". Nhận xét này cũng có phần đúng, ông bà ta có câu:"con cưng là con hư". Tuy nhiên nếu là đứa con duy nhất thì lẽ ra cha mẹ phải quan tâm nhiều đến nó mới phải chứ? Sự thiếu "Lễ" của con, cha mẹ là người phát hiện đầu tiên mà! Như trên đã nói, đa số phụ huynh học sinh chỉ quan tâm đến "Trí" của con mình. Đời sống công nghiệp, bằng cấp cao, lương bổng hậu là điều được đặt lên hàng đầu. Dần dà chữ "Lễ" chiếm một vị trí khiêm tốn ở hàng chót! Nhà trường có cố gắng đến đâu, kết quả sẽ không như ý muốn.


            Vẫn biết rằng bây giờ mà đem "Lễ" ra nói nhiều, sẽ có người cho tôi "thủ cựu". Nhưng tôi nghĩ rằng cái đẹp của người Việt qua bốn ngàn năm lịch sử không xa rời cái Lễ. Gặp người lạ tiếp đón bằng Lễ, mặt mừng tay bắt, mến khách nhưng luôn giữ Lễ. Thấy người quen chào nhau cũng một lòng theo Lễ. Khi vui, khi giận dằn lòng giữ Lễ...Thế thì chăm bón cho học sinh một chữ "Lễ" thiết nghĩ không " thủ cựu" lắm đâu! Thưa các bạn.

                                                                              

 

Trở về Tùy Bút